Tại hội thảo "Du lịch Việt Nam 2023: Mục tiêu & Phục hồi" do công ty nghiên cứu thị trường du lịch Outbox và Saigontourist Group phối hợp tổ chức trong tháng 9,áchViệtrờibỏsânnhàbongdalive bà Nguyễn Anh Thư, giám đốc nghiên cứu của Outbox nhận định tốc độ phục hồi của thị trường khách quốc tế "chậm hơn rất nhiều" so với thị trường nội địa.
Trong năm 2022, khi thị trường inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam) còn yên ắng, thị trường nội địa đã đạt mức phục hồi vượt ngưỡng 2019. Năm 2019, Việt Nam đón 85 triệu lượt khách nội địa, năm 2022 tăng lên hơn 101 triệu lượt. Trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng lượt khách nội địa đạt 76,5 triệu, gấp khoảng 11 lần khách quốc tế. Trong khi đó năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế. Mục tiêu đón khách quốc tế đặt ra cho năm 2023 là 8 triệu lượt, chưa bằng 50% kết quả năm 2019.
Bà Nguyễn Anh Thư cho rằng, 18 tháng trước, du lịch nội địa được nhắc đến với vai trò là "công cụ tạo đòn bẩy" phục hồi toàn ngành du lịch. Đến nay, thị trường nội địa không có dấu hiệu chững lại, luôn trên đà tăng trưởng đều. Bà Thư đặt vấn đề các doanh nghiệp du lịch Việt cần quan tâm nhiều hơn, tận dụng nội địa, coi đây là thị trường lớn, giảm phụ thuộc khách quốc tế.
CEO Outbox Đặng Mạnh Phước cho rằng nên coi nội địa là "thị trường quan trọng". Việt Nam sở hữu lợi thế rất lớn về du lịch nội địa khi dân số đông, tầng lớp trung lưu chiếm tỉ trọng cao và sức mua lớn. "Nếu chỉ xem như kiểu thị trường thời vụ làm đòn bẩy mỗi khi cần mà không có một chiến lược dài hơn và đầu tư đúng mực thì rất phí", ông Phước nói.
Bà Anh Thư nhận định thị trường nội địa luôn đóng vai trò quan trọng đối với du lịch Việt cả về lượt khách lẫn doanh thu. Trong giai đoạn 2015-2019, thị trường nội địa chiếm 85% tổng lượt khách. Doanh thu từ thị trường này tăng đều qua các năm, từ 158.000 tỷ đồng năm 2015 đến 334.000 tỷ đồng năm 2019, chiếm 43% tổng doanh thu du lịch.
Bên cạnh tăng trưởng tổng thu, tăng trưởng doanh thu trung bình từ mỗi lượt khách nội địa cũng đang có xu hướng tăng mạnh, đồng nghĩa khách nội chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Thị trường nội địa còn là tác nhân chính đối với sự phát triển bền vững của ngành du lịch quốc gia, đặc biệt trong những thời kỳ có biến động môi trường bên ngoài. Minh chứng là sự bùng nổ thị trường nội địa năm 2022 đóng góp lớn vào quá trình phục hồi ngành du lịch sau Covid-19.
Phó tổng giám đốc Saigontourist Group Nguyễn Đông Hòa cho rằng việc đón khách nội địa trong năm 2023 "có phần sụt giảm và không đồng đều" so với 2022. Tại một số địa phương từng là điểm nóng du lịch như Phú Quốc hay Nha Trang, lượng khách không đạt như kỳ vọng, thậm chí thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, một số địa phương lại ghi nhận tăng trưởng tích cực nhờ vào các tuyến cao tốc mới, ví dụ Phan Thiết.
Theo ông Hòa, 2022 được xem là năm "bùng nổ" của du lịch nội địa. Từ những con số tích cực đó, du lịch Việt tiếp tục đặt nhiều kỳ vọng trong năm nay. Tuy nhiên, suy thoái kinh tế và hạ tầng phục vụ du lịch không đảm bảo khiến nguồn thu không được như kỳ vọng.
"Chất lượng dịch vụ không đáp ứng được nhu cầu cũng là một trong những nguyên nhân khiến khách Việt có xu hướng ra nước ngoài du lịch trong năm nay", ông Hòa nói.
Theo khảo sát về nhu cầu đi du lịch nước ngoài (được đo bằng mức độ quan tâm, tìm kiếm của người dùng trên Google Search với vé máy bay, chỗ ở) của khách du lịch Đông Nam Á trong quý II, Việt Nam là nước có mức tăng trưởng cao nhất, bằng 175% so với cùng kỳ trước dịch. 65% lượng tìm kiếm của người Việt Nam nhắm đến các điểm trong khu vực Đông Nam Á.
Chị Thảo Ly, 27 tuổi, nhân viên truyền thông tại TP HCM cho hay năm ngoái trung bình cứ hai tháng một lần chị lại du lịch một điểm trong nước như Hà Giang, Đà Lạt, Phú Quốc, Quy Nhơn vì "mọi chi phí từ vé máy bay đến giá phòng đều rẻ". Năm nay, chị Ly "chỉ xuất ngoại mà chưa có chuyến du lịch trong nước nào".
"Chi phí du lịch từ TP HCM đi Hà Nội hoặc Phú Quốc trong 5-7 ngày tốn khoảng 7-10 triệu đồng đã bao gồm vé máy bay và lưu trú khách sạn 4-5 sao. Sau khi cân nhắc tôi đã chọn du lịch Thái Lan 5 ngày với tổng chi phí khoảng 10 triệu đồng. Du lịch một số điểm ở châu Á như Hàn Quốc hay Đài Loan hiện có giá khá hấp dẫn, bỏ ra 10-15 triệu đồng là có thể vi vu nước ngoài thoải mái", chị Ly nói.
Theo Phó tổng giám đốc Saigontourist Group, để thu hút khách nội địa, các doanh nghiệp du lịch Việt cần cải thiện chất lượng dịch vụ, tạo thêm các chương trình khuyến mãi hấp dẫn và tăng thêm trải nghiệm mới.
Ông Hòa nói người Việt khai thác du lịch Việt có lợi thế "hiểu nhu cầu khách hàng". Ví dụ, khách Việt quan tâm nhiều hơn, thường chi tiêu nhiều hơn cho ẩm so với khách quốc tế. Trong khi đó, khách nước ngoài thường tìm đến những món ăn Việt Nam truyền thống, có giá trị văn hóa cao nhưng chi phí thấp.
Ông Nam Nguyễn, Tổng giám đốc Trip.com khu vực Việt Nam, nói khách quốc tế đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi của thị trường du lịch. Tuy nhiên, nền tảng cốt lõi để tạo được sự tăng trưởng bền vững là phải "đa dạng hóa nguồn khách", đặc biệt phải "tận dụng nguồn khách du lịch địa phương". Trong năm 2024, Trip.com sẽ thực hiện chiến lược "nội địa hóa" nội dung, sản phẩm đang bán trên nền tảng, tạo sự gần gũi với thị hiếu và cách tiếp cận của khách Việt.
Theo bà Anh Thư, để khai thác thị trường khách nội địa hiệu quả, doanh nghiệp nên thay đổi góc nhìn, từ một thị trường "công cụ" thành một "phân khúc khách hàng", làm rõ đặc tính hành vi, xu hướng tiêu dùng du lịch, mức độ sẵn sàng chi trả của thị trường trong nước. Sâu hơn là định vị những phân khúc con phù hợp với từng nhóm sản phẩm, dịch vụ trong tệp khách hàng lớn này.
Bà Thư cho rằng để khuyến khích du lịch nội địa, chính phủ và chính quyền địa phương có thể can thiệp vào việc cung cấp dịch vụ du lịch tại địa phương thông qua định giá, tiếp thị và khuyến mại, cải thiện mối liên kết giữa vận tải và du lịch. Ví dụ, năm 2019, Thái Lan kích cầu nội địa bằng cách trợ cấp tiền cho người dân để đi du lịch trong nước. Mỗi người dân được nhận 1.500 baht (khoảng 1 triệu đồng) để đi du lịch tại 55 tỉnh thành trong nước.
Chú trọng thị trường nội địa không có nghĩa là lựa chọn "đánh đổi" một thị trường nào khác, mà là "mở thêm cơ hội gia tăng tổng thu du lịch, đa dạng thị trường, thêm nguồn cầu cho điểm đến, cho doanh nghiệp", bà Thư nói.
Bích Phương - Vân Khanh