Giá vượt đỉnh tháng 8.2023
Trong khoảng 10 ngày qua,ágạoViệtvượtđỉnhlịchsửkết quả xsmb thị trường gạo thế giới đang "nóng" trở lại. Cập nhật mới nhất từ Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cho biết giá gạo 5% tấm của VN tăng thêm 15 USD so với đầu tháng 10 và đạt mức 633 USD/tấn, cao nhất thế giới. Hiện giá gạo VN vượt gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan (577 USD/tấn) đến 56 USD và cao hơn 60 USD so với gạo của Pakistan (573 USD/tấn).
Tại vựa lúa gạo miền Tây, thị trường cũng đang ngày càng "nóng" do nhu cầu thị trường đang cao và nguồn cung khan hiếm. Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long), cho biết: Trong 2 tuần qua giá lúa gạo tăng liên tiếp, mỗi ngày vài trăm đồng. Hiện tại giá lúa gạo đã quay lại mức lịch sử hồi tháng 8.2023 vừa qua. Cụ thể, giá lúa phổ thông dao động 8.000 - 8.100 đồng/kg, còn các giống lúa thơm từ 8.300 - 8.400 đồng/kg. Giá lúa gạo tăng do nhiều nước đẩy mạnh nhập khẩu trong khi nguồn cung của VN hiện khan hiếm.
"Thật sự doanh nghiệp chúng tôi không mua được hàng để xuất. Giá xuất khẩu mà chúng tôi tham khảo được hiện nay gạo 5% tấm lên tới 650 USD/tấn, còn gạo thơm từ 690 - 700 USD/tấn. Tuy nhiên, nếu so giá xuất khẩu này với giá lúa gạo nội địa hiện tại thì doanh nghiệp không có lãi. Chỉ những doanh nghiệp có sẵn "chân hàng" thì mới xuất được hoặc những doanh nghiệp trả nợ hợp đồng. Với giá lúa gạo nguyên liệu hiện tại, thì giá gạo 5% xuất khẩu phải ở mức 670 USD/tấn và gạo thơm các loại bình quân 730 USD/tấn. Mức giá này khá cao và không có nguồn hàng nên nhiều doanh nghiệp hạn chế ký hợp đồng mới", ông Thành cho biết.
Tương tự, ở khu vực tam giác giữa Cần Thơ, Kiên Giang và An Giang, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), thông tin: Giá lúa gạo đang leo thang trở lại. Lúa thường (giống 5451) thu mua trong dân dao động từ 8.000 - 8.200 đồng/kg. Với mức giá thành nguyên liệu này thì giá xuất khẩu phải ở mức 680 - 690 USD/tấn. Tuy nhiên, do gần đây tỷ giá tăng nhẹ nên giá xuất có thể giảm xuống 10 USD/tấn. Hiện tại vẫn thực hiện đều đặn các hợp đồng xuất khẩu đi Hàn Quốc, EU và một số nước châu Á khác. Các thị trường truyền thống của hạt gạo VN như Philippines, Indonesia, Malaysia cũng có nhu cầu cao khiến thị trường sôi động.
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, tại ĐBSCL vụ hè thu trễ hay có nơi gọi là thu đông sớm đã thu hoạch xong. Còn vụ thu đông chính vụ thì diện tích thật sự không nhiều do bà con nông dân lo ngại thời tiết bất lợi. Nguyên nhân là những năm gần đây bà con nông dân đã điều chỉnh lịch mùa vụ, giảm sản xuất vụ thu đông. Diện tích lúa thu đông trễ không còn nhiều. Chính vì vậy có thể nói đến thời điểm này nguồn cung gạo của VN gần như "cạn kiệt". Tuy nhiên, một số hộ dân cũng bắt đầu chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân sớm và chỉ khoảng 3 tháng nữa lại có vụ thu hoạch mới.
Trong giai đoạn tháng 8 và 9, các doanh nghiệp đã xuất khẩu khoảng 1,7 triệu tấn gạo; đưa tổng lượng gạo xuất khẩu của VN trong 9 tháng qua lên tới khoảng 6,6 triệu tấn và kim ngạch kỷ lục gần 3,7 tỉ USD. Ước tính lượng gạo còn có thể xuất trong 3 tháng cuối năm tối đa khoảng 1 triệu tấn. Đây sẽ là một năm xuất khẩu gạo đạt kỷ lục cả về lượng, giá bán bình quân và kim ngạch.
Các nước "chạy đua" với El Nino
Thông tin doThanh Niêntổng hợp cho thấy vụ thu hoạch lúa chính trong năm 2023 từ các nguồn cung gạo quan trọng trên thế giới đều ít bị tác động do hiện tượng thời tiết El Nino. Tuy nhiên, thực tế được ghi nhận ở các nước này là tình trạng nắng nóng và mưa ít hơn trung bình các năm. Cụ thể như vùng đông bắc của Thái Lan, lượng mưa thấp hơn bình quân nhiều năm khá cao. Chính vì vậy, nhiều nước đang tích cực chuẩn bị lượng gạo dự trữ đủ lớn để chuẩn bị cho mùa khô năm 2024. Các chuyên gia khí tượng thế giới dự báo El Nino sẽ kéo dài đến tháng 3.2024. Bên cạnh yếu tố thời tiết, mặt hàng gạo còn gắn liền với vấn đề an ninh lương thực quốc gia và chính trị.
Tại Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với nguồn cung bình quân khoảng 21 triệu tấn mỗi năm. Ngày 18.10, Bộ thương mại Ấn Độ công bố hợp đồng xuất khẩu hơn 1 triệu tấn gạo cho 7 nước thuộc châu Á và châu Phi. Đây là lần thứ hai nước này xuất khẩu gạo theo đường ngoại giao (lần đầu là cuối tháng 8.2023, cho 3 nước với sản lượng gần 150.000 tấn) kể từ khi chính thức cấm xuất khẩu gạo trắng ngày 20.7.2023. Việc Ấn Độ xuất khẩu 1 triệu tấn gạo theo đường ngoại giao gửi đi một thông điệp khá rõ ràng về việc nước này sẽ tiếp tục duy trì các chính sách hạn chế xuất khẩu gạo bao gồm: Cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati; bên cạnh đó hai chính sách đã hết hạn vào ngày 15.10.2023 nhưng chưa có cập nhật mới gồm áp thuế xuất khẩu 20% với gạo đồ và áp giá sàn xuất khẩu 1.200 USD/tấn với gạo đặc sản basmati. Động thái này của Ấn Độ khiến các kỳ vọng nới lỏng xuất khẩu của một số thương nhân "vụt tắt" và buộc họ phải tìm kiếm nguồn cung từ các quốc gia khác. Điều này đẩy giá gạo thế giới tăng.
Trong khi nguồn cung tiếp tục hạn chế thì nhu cầu lại tăng cao. Hai nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới là Philippines và Trung Quốc vẫn đang tăng cường nhập khẩu để đảm bảo kho dự trữ. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, mỗi nước sẽ nhập khẩu đến 3,5 triệu tấn gạo trong năm nay. Trong khi Philippines mới đạt 2,4 triệu tấn tính đến giữa tháng 9; còn Trung Quốc tham gia chậm chạp trong những tháng đầu năm 2023 và đang tăng tốc trong những tháng cuối năm.
Đáng chú ý hơn hiện nay chính là thị trường Indonesia, nước này có nhu cầu nhập khẩu đến 1,5 triệu tấn gạo trong những tháng cuối năm 2023 để đảm bảo dự trữ cho an ninh lương thực quốc gia. Đây là lượng nhập khẩu theo kế hoạch từ đầu năm. Mới đây, cơ quan chức năng nước này cho biết sẽ phải tiếp tục nhập khẩu đến 2 triệu tấn gạo trong năm 2024. Indonesia là nước mới quay lại thị trường gạo thế giới kể từ năm 2022 sau một thời gian tự chủ an ninh lương thực. Ngoài ra nhu cầu gạo đến từ khắp nơi trên thế giới. Còn nhớ trong đợt khô hạn năm 2022, thậm chí có doanh nghiệp ở Anh, nơi mà gạo không phải là mặt hàng lương thực chủ đạo còn tìm đến VN để nhập khẩu gạo vì nguồn cung khan hiếm và nhu cầu tăng cao.
Giá gạo Việt cao hơn gạo Thái 73 USD, vì sao ?
Đến cuối ngày 20.10, Hiệp hội Lương thực VN (VFA) tiếp tục cập nhật giá gạo 5% tấm của VN lên 643 USD/tấn và gạo 25% tấm lên mức 628 USD/tấn. Trong khi đó, gạo Thái Lan giảm nhẹ, gạo 5% tấm còn 570 USD/tấn, thấp hơn gạo VN đến 73 USD. Theo bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang thông tin thị trường lúa gạo thế giới Ssricenews thì có 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất là nguồn cung gạo, VN không còn nhiều trong khi Thái Lan vào vụ thu hoạch lớn nhất trong năm. Thứ hai là vấn đề tỷ giá, đồng bath của Thái đang mất giá khá nhanh so với đồng USD khiến giá gạo của Thái Lan rẻ hơn chính bản thân họ trước đó. Thứ ba là chất lượng, gạo của VN ở phân khúc trung bình, tầm giá 500 - 600 USD/tấn (thời điểm bình thường) là "vô đối", còn các nước như Thái Lan họ một là cao hẳn hai là thấp hẳn. Một yếu tố khác có thể kể đến là năng lực để thực hiện các hợp đồng từ 50.000 tấn trở lên của các doanh nghiệp VN rất tốt.